CHI BỘ TRUNG TÂM KHAI THÁC HẠ TẦNG TỔ CHỨC VỀ NGUỒN: THĂM KHU DI TÍCH LĂNG MỘ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU VÀ KHU LƯU NIỆM NGUYỄN THỊ ĐỊNH –TỈNH BẾN TRE

  11/10/2022

Ngày 08/10/2022, Chi bộ Trung tâm Khai thác Hạ tầng đã tổ chức chương trình về nguồn thăm thăm Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu và Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định –Tỉnh Bến Tre. Hoạt động có sự tham gia của đại diện Đảng ủy Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, tập thể đảng viên chi bộ và viên chức – lao động của đơn vị.

Đoàn đã đến dâng hương tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định tọa lạc tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, quê hương của Nữ tướng cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 9 km. Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định là một trong những địa điểm rất ý nghĩa, đặc biệt với những ai yêu mến cô Ba và quan tâm đến lịch sử, con người Bến Tre.

Đoàn đến dâng hương tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định

Tham quan Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, đoàn được tìm hiểu về tên tuổi vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Người dân Bến Tre luôn kính trọng và trìu mến gọi vị Nữ tướng Nguyễn Thị Định với tên gọi thân thuộc “Cô Ba”. Bà sinh ngày 13/2/1920 là con út trong gia đình có 10 người con ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Đoàn nghe thuyết minh về sự nghiệp của Bà Nguyễn Thị Định

Khi tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và vận động quần chúng đấu tranh. Năm 1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1946, bà là thành viên trong đoàn cán bộ của Khu 8 vượt biển ra Bắc gặp Bác Hồ để báo cáo tình hình cách mạng miền Nam và xin chi viện vũ khí từ đó mở ra đã mở ra con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, tiền thân của những đoàn tàu không số sau này. Khi trở lại quê nhà, Cô Ba cùng Tỉnh ủy Bến Tre lãnh đạo nhân dân nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch tại ba xã Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày, nay là huyện Mỏ Cày Nam) đã làm nên phong trào Đồng Khởi vào ngày 17/01/1960, mở đầu cho cao trào đồng loạt nổi dậy trong toàn tỉnh và cả miền Nam lúc bấy giờ. Tên tuổi của bà gắn liền với phong trào Đồng Khởi Bến Tre, với “Đội quân tóc dài” làm cho quân thù khiếp sợ. Hình ảnh Cô Ba Định với áo bà ba, khăn rằn, nón lá, chiếc túi nhỏ đeo vai đã trở thành niềm tin của quân, dân miền Nam và chị em hoạt động cách mạng cả nước.

Đồng chí Lê Sĩ Ngọc – Bí thư Chi bộ ghi sổ lưu niệm tại
Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định

Tiếp theo, Đoàn đã thăm và dâng hương tại Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, từ lâu đã trở thành điểm du lịch tâm linh và là niềm tự hào của người dân Bến Tre với nhà thơ yêu nước, người thầy giáo mẫu mực, đức độ, người thầy thuốc có tâm, có tài.

Đoàn đến dâng hương tại Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu

Đây là một quần thế kiến trúc bề thế tọa lạc trong khuôn viên có diện tích hơn 1,5ha, được trùng tu vào năm 2000, gồm cả khu lăng mộ cũ được xây dựng vào năm 1972.Công trình bao gồm: cổng tam quan, nhà bia, đền thờ mới, đền thờ cũ và khu mộ. Cổng tam quan khu lăng mộ mang phong cách kiến trúc truyền thống của các đình chùa Việt Nam với hai mái chồng, hình thuyền, lợp ngói âm dương màu đỏ gạch giả cổ, trên nóc và những bao lam, xiên, xà có đắp hoa văn, phù điêu ước lệ với nét dựng chân phương. Cột trụ tam quan to, vững chãi, sơn màu đỏ son.

Đoàn chụp hình lưu niệm tại Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu

Tham quan khu lăng mộ Nguyển Đình Chiểu, đoàn đã nghe kể lại những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp và ngâm nga câu thơ của cụ Đồ Chiểu, không ít du khách lại có cảm giác bâng khuâng, tựa hồ nghe tiếng lòng nặng tình non nước của bậc tiền nhân tài đức ngàn xưa vọng về.

Đồng chí Lê Sĩ Ngọc – Bí thư Chi bộ dâng hương trên bàn thờ
cụ Nguyễn Đình Chiểu

Nhắc đến cụ Đồ Chiểu, người yêu văn thơ nhớ ngay đến một hiện tượng của văn học Việt Nam ở thế kỷ 19, một trong những người khai mở dòng văn học yêu nước, đồng thời đánh dấu bước phát triển quan trọng của văn hóa nói chung và văn học thành văn nói riêng ở Nam Kỳ lục tỉnh. 

Các tác phẩm nổi tiếng của ông là truyện thơ Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế Trương Định, … Quả thực, những tác phẩm của ông không chỉ ảnh hưởng sâu sắc và có sức sống mãnh liệt trong lòng nhân dân ở thời kỳ ấy mà còn lưu dấu cho tới tận bây giờ. Chính sự tài năng và ý chí vươn lên, ông đã trở thành một biểu tượng sáng ngời cho tinh thần yêu nước và nghĩa khí của người dân Nam Bộ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Bằng ngòi bút sắc bén, những áng thơ văn của ông tố cáo tội ác của giặc Pháp, phê phán bọn vua quan bán nước cầu vinh, ca ngợi các cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân, giữ vẹn tấm lòng yêu nước, thương dân.

Rời Khu Di tich sau khi đã thưởng thức bữa cơm giao lưu thân tình đậm chất miền Tây Nam bộ, đoàn đã cùng nhau hát những ca khúc cách mạng về một thời oanh liệt, hào hùng của dân tộc. Tiếng hát mang theo tình yêu, lòng biết ơn và tự hào của chúng tôi về thế hệ cha ông hòa quyện vào không gian bao la của vùng đất miền Tây Nam Bộ vang danh trong lịch sử dân tộc

 

Bình luận

Tin tức mới

Thông tin liên hệ

Trung Tâm Khai thác Hạ tầng

* Lầu 11, Cao ốc 255 Trần Hưng Đạo, Phường Cô Giang, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh
ĐT: (028)3.8628.775

* Ấp 1, Xã Phạm Văn Cội, Huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh
ĐT: (028)3.7990.788
Fax: (028)3.7990.639
Email: ttktht.ahtp@tphcm.gov.vn
Bản đồ

Hình Ảnh





Lượt truy cập
  • 1
  • 170
  • 584,184